Làm thế nào để biết bạn hợp với nghề đầu bếp?
Ngành nghề nào cũng có những đặc thù riêng. Vậy làm thế nào để biết bạn hợp với nghề đầu bếp? Với đặc thù riêng là tạo ra những món ăn đầy đủ sắc hương vị, nghề đầu bếp yêu cầu người theo nghề phải có những tố chất rất riêng. Để biết bản thân mình có phù hợp với nghề đầu bếp hay không, bạn hãy tự trả lời những câu hỏi sau đây nhé!
Nấu ăn có phải là sở thích của bạn hay không?
Nếu có sở thích với một việc, bạn sẽ dành thời gian và cố gắng vượt qua mọi rào cản để đạt được mong muốn. Với nghề đầu bếp cũng vậy. Trước khi muốn tìm hiểu về nghề đầu bếp, bạn hãy tự hỏi bản thân là mình có thích nấu ăn hay không?
Để nhận diện đều này, bạn hãy cẩn thận trả lời hai câu hỏi. Một là nhìn các món ăn bạn có thích hay không và thích vì điều gì. Hai là khi bắt gặp một công thức nấu ăn mới bạn có ghi lại để nấu thử khi có cơ hội hay không? Nếu câu trả lời cho hai câu hỏi này là có thì nấu ăn chính là sở thích của bạn.
Bạn khéo léo và có mắt thẩm mỹ chứ?
Một món ăn ngon phải đảm bảo cả sắc, hương và vị. Hiểu đơn giản hơn là phải đáp ứng cả yêu cầu về hình thức là đẹp và ngon về nội dung. Hơn nữa, còn phải tốt cho sức khỏe và hợp khẩu vị của người thưởng thức.
Do đó, người đầu bếp cần phải khéo léo và có mắt thẩm mỹ để tạo ra những món ăn như vậy. Vậy bạn là người như thế nào? Bạn có khéo léo hay không? Tính thẩm mỹ của bạn ra sao? Hãy tìm câu trả lời này ngay trong những việc rất đỗi quen thuộc hàng ngày của bạn.
Độ nhạy cảm với mùi vị của bạn đến đâu?
Mùi vị là yếu tố quan trọng của một món ăn ngon. Chính vì vậy nên người đầu bếp cần có độ nhạy cảm nhất định với mùi vị. Độ nhạy cảm ở đây là khả năng nhận biết và cân bằng mùi vị để tạo ra những món ăn ngon. Người có năng khiếu về mùi vị nếu chọn nghề bếp sẽ rất lợi thế.
Nếu không xuất sắc thì chí ít cũng phải cảm nhận được độ chín, độ thơm, độ mặn ngọt,…của món ăn. Bạn hãy tự đánh giá xem độ nhạy cảm với mùi vị của bạn đến đâu.
Khả năng chịu áp lực của bạn như thế nào?
Áp lực của nghề đầu bếp không thấp hơn những ngành nghề khác, thậm chí có khi còn cao hơn gấp nhiều lần. Áp lực đó có thể đến từ đồng nghiệp, khách hàng hay những công việc hàng ngày,…Minh chứng là trong những trường hợp khách đông, không đủ nguyên liệu hay khi không đáp ứng được yêu cầu của khách hàng,…
Chưa kể, đầu bếp còn là nghề dịch vụ nên bắt buộc người làm nghề phải luôn trong tâm thế sẵn sàng và vui vẻ để vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Vậy nên, bạn phải có khả năng chịu được áp lực công việc nếu quyết định theo đuổi nghề đầu bếp.
Xem thêm: Nghề đầu bếp cần làm những gì để thành công?
Bạn là người chăm chỉ, chịu khó và ham học hỏi chứ?
Trước khi quyết định chọn nghề đầu bếp, bạn nên biết rằng rất ít người có thể làm chủ ngay một căn bếp lớn khi mới bắt đầu. Phần lớn đều phải bắt đầu từ những vị trí thấp nhất. Thế nên, vất vả và khổ cực là điều rất hiển nhiên khi mới chân ướt chân ráo bước vào nghề đầu bếp. Chính vì vậy, bạn phải thật chăm chỉ, chịu khó và ham học hỏi để có thể tiến xa hơn trong nghề.
Chỉ khi tích lũy đủ kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng thành thạo và có sự am hiểu nhất định về ẩm thực bạn mới trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp. Nếu bạn là người không thể chịu được khổ cực thì nên cân nhắc khi đứng trước nghề đầu bếp.
Khả năng lắng nghe của bạn đến đâu?
Mỗi người sẽ có sở thích và khẩu vị khác nhau nên mới có câu “9 người 10 ý”. Thế nên, thật không dễ dàng làm hài lòng hết tất cả mọi người. Mà đầu bếp lại là nghề phải phục vụ cho nhiều người. Những người có thể hoàn toàn khác nhau cả về tính cách, sở thích và khẩu vị.
Do đó, để làm hài lòng các khách hàng của mình, người đầu bếp phải biết lắng nghe để điều chỉnh và thay đổi dù đó là phản hồi tốt hay xấu. Biết lắng nghe là tố chất quan trọng để người đầu bếp không ngừng hoàn thiện và sáng tạo ra những món ăn hấp dẫn thực khách. Vậy khả năng lắng nghe của bạn đến đâu?
Sức khỏe của bạn như thế nào?
Đầu bếp là người trực tiếp tạo ra những món ăn ngon để phục vụ thực khách. Thế nên, người đầu bếp phải có sức khỏe tốt, không bị mắc các bệnh truyền nhiễm.
Chưa kể, những đầu bếp làm trong các căn bếp lớn phải phục vụ cho nhiều người cùng một lúc nên cần phải thật sự khỏe mạnh và không có khó khăn khi sử dụng tay chân. Vì lẽ đó, nếu bạn không may bị mắc một căn bệnh truyền nhiễm nào đó, hãy tìm kiếm một công việc khác thay vì làm đầu bếp bạn nhé!
Trên đây là những câu hỏi bạn có thể tự trả lời để xem bản thân có thật sự phù hợp với nghề đầu bếp hay không? Hi vọng rằng bài viết sẽ giúp ích phần nào cho những bạn đang đứng trước cột mốc quan trọng của cuộc đời là chọn nghề nghiệp để theo đuổi.